Hà Đông, Ngày 11 tháng 08 năm 2015
Thân gửi: Trường THPT Nguyễn Du – Thanh Oai, Hà Nội - Nhân dịp Người vừa tròn 30 tuổi.
Hồi ấy…, vào những năm 1986, 1987 cả trường vẫn là bãi đất trống, không một bóng cây. Mặc dù đã sau 2 năm thành lập, lúc đó trường mới chỉ là những dãy nhà cấp bốn được tôn nền cao hơn mặt ruộng chừng một gang tay. Sân trường vốn là mặt ruộng trồng lúa. Nhà trường phải tổ chức cho học sinh lao động đắp đường, tôn sân, tôn nền bằng hình thức cho học sinh đào ao, quyên góp đất xỉ than (lấy từ nhà hoặc địa phương) mang đến để tôn tạo.
Vì thiếu bóng cây nên nhà trường phải phát động các chiến dịch trồng cây. Cứ sau mỗi Tết âm lịch thầy và trò lại ra sức trồng cây, rào dậu, vun tưới vậy mà đã hai mùa xuân đi qua… mà chẳng cây nào sống nổi. Cây quyên góp có, cây mua có, cây xấu có, cây đẹp có… Giống này không được lại thay bằng giống kia… Vậy mà vẫn không được…Vào thời điểm đó tôi vốn là đối tượng Đảng, là giáo viên giảng dạy, kiêm nhiệm trưởng ban lao động, tổ trưởng tổ hành chính, được BGH giao nhiệm vụ phải tiếp tục tổ chức cho tổ hành chính trồng cây bằng được nhân dịp tết đến xuân về.
Quan điểm của lãnh đạo phải tổ chức hiệu quả, cây trồng phải sống vì thế phải tổ chức giao khoán từng cá nhân, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Nhà trường mua giống cây xà cừ giao cho tổ hành chính. Định mức giao cho mỗi người phải thực hiện trồng 8 cây. Công việc gồm đào hố, trồng cây, bổ gốc tre làm rào bảo vệ cây, tưới cây. Nhà trường sẽ nghiệm thu đánh giá năng lực cán bộ dựa vào hiệu quả, số cây được giao (nếu quá thấp thì có thể phải trừ lương…)
Đứng trước nhiệm vụ và áp lực công việc đó, khiến tôi không khỏi băn khoăn lo lắng… Làm sao để công việc tổ chức phải hiệu quả, làm sao để anh chị em trong tổ đều hoàn thành nhiệm vụ… Tôi lo lắm, đứng trước những cây đã chết được trồng từ mùa xuân năm trước tôi không biết phải xoay sở thế nào? Buổi lao động đào hố để chuẩn bị đón cây giống về trồng, tôi đang cặm cụi xúc đất lên thì đằng sau có tiếng người dõng dạc.
- Các thầy lại trồng cây đấy à?
Tôi ngoảnh lại, thì ra cụ Nin, bảo vệ trường tuổi đã gần 70, tóc bạc trắng, vậy mà giọng nói vẫn vang mà khỏe khoắn lắm! Tôi thở hổn hển đáp lời cụ:
- Vâng ạ. Cụ đã nấu cơm chưa?
Không trả lời câu hỏi của tôi, lim dim đôi mắt cụ lắc đầu và nói:
- Lại “dã tràng xe cát biển Đông”… thôi!
Tôi chưa hiểu cụ muốn nói gì nên hỏi lại cụ:
- Cụ bảo sao cơ ạ?
- Có trồng mới rồi cây cũng lại chết hết thôi.
- Không biết vì sao, mấy năm trước chúng cháu trồng, cây đều chết cả, chán quá cụ ạ. Năm nay chúng cháu vẫn quyết tâm trồng lại, không biết có được không?
- Tôi là người vô học, tôi nói ông giáo thông cảm, đừng bảo là tôi dạy khôn nhé.
- Sao cụ lại nói thế?
- Thật đấy, các thầy học cao, nhiều chữ, giỏi cầm bút chứ việc cầm cuốc cầm xẻng trồng cây thì không bằng chúng tôi được. Đất đây là đất trồng lúa, thấp bằng mặt đất ruộng. Cái cây này không phải như cây lúa, mùa mưa chỉ trận mưa rào to hay vào mùa cày cấy người ta tháo nước về đổ ải, nước ngập gốc cây, chỉ vài ngày là cây chết úng, các thầy lại “công cốc công cò” thôi.
Tôi đang suy ngẫm những điều cụ nói, và chưa biết đáp lời cụ ra sao thì cụ lại nói tiếp.
- Các thầy muốn trồng cây sống được thì phải tôn đất cao lên hoặc nếu không thì trồng sao cho mặt gốc phải cao hơn mặt bằng một chút, nếu không thì lại như mấy năm trước thôi.
Nghe tới đây tôi mới chợt nhận ra mình vốn chuyên môn về ngành Sinh học, là thầy giáo dạy Sinh học, vậy mà thiếu thực tế cũng chẳng hơn gì người thất học.
Đúng rồi! Bây giờ là cuối mùa khô, nơi chân tôi đang đứng là đất khô ráo, nhưng chỉ đôi tuần nữa, khi thủy lợi lấy nước về đổ ải làm lúa vụ xuân nơi đây sẽ là sân ngập nước, và rồi cũng chỉ 2-3 tháng nữa thôi, những cơn mưa rào đầu mùa hạ lúc đó sân trường cũng sẽ như vậy. Khi đó các cây trồng hôm nay sẽ gặp úng và chết hết. Tôi liền đáp lời cụ:
- Vâng, cụ nói đúng. Chúng cháu xin cám ơn cụ nhé!
Ngày hôm sau, khi các hố cây đã chuẩn bị xong, nhà trường nhận giống cây về trường. Toàn tổ họp để thống nhất kế hoạch, mỗi người phải hoàn thành định mức trồng và bảo quản chăm sóc theo đúng mức giao là 8 cây, và đương nhiên kỹ thuật của cụ Nin hôm trước cũng được quán triệt để mọi người áp dụng.
Thế rồi mọi người bắt tay vào thực hiện. Ai cũng lo chọn cho mình những cây đẹp nhất, đủ rễ, đủ “vầng”. Trồng, tưới, rào dậu xong thì gần tối, người mệt rã rời, mọi người bảo nhau về rửa cuốc xẻng, chân tay ở giếng khơi (cạnh bể nước ở khu nhà hiệu bộ bây giờ). Xúm xít quang thành giếng, nhưng chỉ có một chiếc gầu múc nước, vì vậy mọi người phải chờ đợi. Cánh đàn ông chúng tôi đứng nhường cho mấy chị em rửa trước. Nhìn lại đống cây xà cừ còn thừa do thải loại, tôi thu gom chúng cho gọn lại, thì phát hiện thấy một cây rất mập và thẳng nhưng vầng thì vỡ, trơ ra, cái rễ cái bị chặt đứt cụt lủn như gốc sắn cây nhổ lên đã lấy củ sau mùa thu hoạch. Tôi than phiền nói với chú Thiệu anh em trong cùng tổ:
- Cây này đẹp quá, chỉ tiếc rằng rễ bị chặt gần hết. Trồng không biết có sống không? Trong lúc chờ đợi, anh em mình cứ vùi nó xuống ở đây, biết đâu nó sống, sau này lại là kỷ niệm của anh em mình.
Nói rồi tôi dùng xẻng đào, xúc mấy nhát làm thành hố sơ sài, rồi đem cây đó đến miệng hố và nói với chú Thiệu:
- Chú cầm giữ cái cây này để anh lấp đất nhé.
Hai anh em vun trồng qua loa, dùng chân nén đất cho chặt rồi tưới mấy gầu nước hy vọng “ đứa con xấu số” này sẽ có cơ may sống sót…..
Sân trường rợp bóng mát hôm nay là kết quả bao công sức của những thế hệ thầy, trò đầu tiên
Thấm thoắt đã gần 30 năm rồi. Giờ trường Nguyễn Du –Thanh Oai đã có bao sự đổi thay. Hàng cây chúng tôi trồng năm nào đã vươn cao, um tùm, xanh tốt. Tất cả đã như những cây đại thụ, cành lá sum suê ken đầy phủ kín mái trường. Nhà trường vốn chưa thật khang trang bởi dự án mở rộng và cải tạo xây dựng còn đợi chờ có vốn mới triển khai xây dựng được. Tuy vậy mỗi khi ai đến đều cảm nhận thấy ấn tượng bởi sân trường có những hàng cây xanh tốt vốn được trồng từ những năm xa xưa ấy...
Chỉ ngày mai thôi, tôi cũng sắp phải rời xa mái trường thân yêu này, nhẹ nhàng dạo bước dưới bóng cây giữa sân trường… Tôi nhớ tới những người thân yêu đã cùng tôi tạo nên màu xanh hôm nay. Đó là thầy Lưu, thầy Lạc, thầy Học, chị Lợi, chị Vy, chị Kỳ, em Thủy, em Thiệu… Người thì đã nghỉ hưu, người thì đã chuyển nơi công tác khác.
Giờ chỉ còn em Nhuận, em Mai và các đồng chí, đồng nghiệp khác sẽ còn ở lại chốn thân yêu này… Còn một người nữa mà tôi không thể quên được. Cụ Nin! Cụ không phải là người “vô học” như cụ tự xưng, mà với tôi cụ là nhà “bác học” - là đại biểu của nhân dân đã góp phần xây dựng mái trường thân yêu này. Và với việc trồng cây của trường Nguyễn Du – Thanh Oai thì cụ được ví như Thần Kim Quy đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa thời xa xưa vậy.
Còn “đứa con” bị bỏ rơi (cái cây cụt rễ được trồng thêm ở bờ giếng khơi cũ cạnh bể nước khu Hiệu bộ) đúng là không thể ngờ được! Nó không chỉ sống mà còn trở nên đại thụ, thân cây to lắm, phải 2 người ôm mới xuể, cành lá sum suê, to lớn hơn các cây cùng trồng vào năm đó. Có lẽ vì trong cái không may suýt bị bỏ rơi, nó lại gặp may, tuy được trồng “ vớt” nhưng lại được đặt đúng vào nơi đất tốt. Cạnh bếp ăn tập thể nhiều mùn rác và đặc biệt hơn vì cạnh giếng nước rửa. Chẳng thiếu nước, thiếu ăn bao giờ… không phụ lòng người, cứ thế nó lớn lên, đâm chồi nảy lộc. Có lẽ nó cũng giống như số phận của một số em học trò chưa ngoan đã được tôi và đồng nghiệp nâng đỡ… giờ đã trưởng thành và khôn lớn…
Cái cây suýt rơi vào số phận "chết yểu" năm xưa, nhờ công chăm bẵm nay đã vươn cao
như để khẳng định lại giá trị của mình
Hôm nay cây đã lớn. Và tâm hồn tôi cũng vậy! Dù tôi có ở xa, nhưng tôi sẽ luôn hướng tới nơi này. Tôi sẽ là gió xuân về lay động cành lá, để nhắc nhở thầy cô - những những người đồng nghiệp của tôi, nhắc nhở học trò Nguyễn Du – Thanh Oai của tôi hãy cùng nhau luôn tâm niệm lấy điều “Dạy tốt – Học tốt”. Và tôi cũng sẽ xin nguyện là cây vốn bị “từ chối” năm xưa, đứng ở ngoài cổng phía gần đường quốc lộ để vươn mình che chở, để đứng nghiêm chào đón những em học sinh khi đến với mái trường này và tôi cũng sẽ mãi mãi đứng ở đây, để dõi theo họ, mỗi cành lá của tôi sẽ là những cánh tay vẫy “chào những đứa con thân yêu của trường THPT Nguyễn Du – Thanh Oai” khi rời xa nơi này để đi đến mọi miền quê của Tổ quốc!