Trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai ngày nay, tiền thân là trường PTTH Kĩ thuật Nguyễn Du được thành lập ngày 15-8-1985 theo quyết định của UBND Tỉnh Hà Sơn Bình, nay là TP Hà Nội. Việc ra đời một ngôi trường PTTH trên khu vực 6 xã phía nam Thanh Oai của Tỉnh là để đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương, tạo cơ hội thuận lợi để nâng cao dân trí ở một vùng quê còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Gần 1/3 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn gian khó về nhiều mặt, Trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai hôm nay vững bước tự khẳng định là niềm tự hào của các thế hệ học sinh và nhân dân vùng phía nam huyện Thanh Oai anh hùng. 30 năm xây dựng và phát triển, trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai luôn bám sát mục tiêu chiến lược: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương đất nước. Từ mái trường này, hơn 15.000 lượt học sinh đã tốt nghiệp ra trường, trong đó, nhiều học sinh đang giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, các doanh nhân thành đạt, giáo viên, giảng viên đang giảng dạy ở mọi cấp học, những sỹ quan cao cấp lực lượng vũ trang...
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của nhà trường, các thế hệ thầy và trò nhà trường càng hiểu và càng tự hào hơn về mái trường thân yêu này.
Những ngày đầu thành lập, trường chỉ có 5 lớp vừa học vừa làm với hơn chục thầy, cô giáo từ khắp nơi được phân công về giảng dạy dưới sự lãnh đạo của thầy hiệu trưởng đầu tiên là thầy Lê Quỳnh Lưu. Trường nằm trên địa bàn Thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương Huyện Thanh Oai, cơ sở vật chất trường lớp nghèo nàn, thiếu thốn mọi thứ, trang thiết bị giảng dạy hầu như chưa có gì. Nhà trường chỉ có 6 phòng hoc là dãy nhà cấp 4, tất cả Ban Giám hiệu chỉ có chung một phòng, vậy mà thầy trò vừa giảng dạy, học tập vừa làm ra của cải vật chất. Từ định hướng “vừa học vừa làm”, với mong muốn thông qua lao động sản xuất để giáo dục học sinh, hình thành nhân cách, thầy và trò nhà trường vừa học tập văn hoá vừa tích cực tham gia xây dựng cơ sở trường lớp, trồng lúa, trồng khoai, chăn nuôi, đóng gạch, đốt lò gạch. Mỗi học sinh hàng tháng phải đóng nộp 20 viên gạch để xây dựng nhà trường. Tuy vất vả, gian khổ, song tình nghĩa thầy trò thật trong sáng, ấm áp và đây cũng là thời kỳ nhà trường gặt hái được nhiều thành quả về hoạt động lao động hướng nghiệp và học tập, đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “hai tốt”.
Căn nhà này từng là nơi làm việc của Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo trong những ngày đầu tiên
Đến năm học 1987-1988, số lượng học sinh có nguyện vọng vào trường theo học ngày càng tăng cao. Vì không có đủ phòng học nhà trường phải gửi học sinh đi học nhờ ở các trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn xã Dân Hòa. Có những ngày thầy, cô phải đạp xe dạy ở 4 nơi, nhiều thầy cô đến giờ giải lao cũng không kịp uống nước vì phải đạp xe đến địa điểm khác để dạy kẻo muộn giờ học của trò. Những ngày đó, thầy cô vẫn gọi là những ngày “một chốn bốn nơi”.
Năm 1988 nhà trường đã được UBND Tỉnh quan tâm, cấp hơn 1ha đất tại địa bàn xã Dân Hòa, đầu tư kinh phí xây dựng phòng học, phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị giảng dạy. Nhớ những ngày trường vừa dạy - học, vừa xây dựng, cả thầy cô và học trò đều rất vất vả. Buổi sáng đến lớp học văn hóa, chiều lại đi lao động như đào ao, đắp đường, đắp móng, đi nhặt đá khắp đường 21 B rồi gánh về trường làm đường đi trong những ngày lầy lội mưa trơn. Đóng gạch, đốt lò lấy gạch xây trường… Nhiều học trò cũ còn kể, trên đường đi học, nhìn thấy hòn đá hộc to là cố bê cho bằng được về trường làm móng, làm nền. Và các em có biết con đường chúng ta đi vào trường hôm nay và có được mái trường như hôm nay là công lao to lớn của thế hệ thầy cô, các thế hệ học sinh mà không ai khác họ là cha, là mẹ, là các anh, các chị của chúng ta đã dày công vun đắp. Chúng ta thật tự hào và mãi mãi biết ơn họ...
Năm học 1989 - 1990, trường mới được khánh thành, khắp nơi được hội tụ về đây dưới sự lãnh đạo của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Học, sau là thầy Quách Mộng Đấu nhà trường có sự thay đổi lớn về diện mạo, báo hiệu một sự phát triển nhanh của nhà trường trong những năm cuối thế kỷ XX. Quy mô nhà trường đã tăng lên thành 14 lớp với 45 cán bộ, giáo viên, trường có một khu 8 phòng học, 2 khu 4 phòng học tuy là nhà cấp 4 nhưng khang trang và một số phòng khu hiệu bộ sạch sẽ. Trường đủ chỗ học cho hơn 600 học sinh. Ở thời kỳ này chất lượng giáo dục - đào tạo của nhà trường có sự khởi sắc, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Niềm tin của học sinh và nhân dân địa phương vào nhà trường được tạo lập, số lượng học sinh thi tuyển vào trường ngày càng đông, vị thế của nhà trường được nâng lên một bước.
Từ năm đó (năm học 1990 - 1991), trường được chuyển đổi từ trường PTTH Kĩ thuật Nguyễn Du thành trường PTTH Nguyễn Du - mảnh đất địa linh nhân kiệt - nơi có dòng họ Nguyễn sinh ra Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du tại thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, Thanh Oai ngày nay. Những mong các thế hệ học sinh tiếp thu và kế thừa truyền thống hiếu học của địa phương như gia đình khoa bảng của dòng họ Nguyễn đầy hiển hách. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là giảng dạy và học tập các bộ môn văn hoá, không bị chi phối nhiều bởi các nhiệm vụ khác. Từ đây, trường có sự phát triển nhanh về các mặt, từ quy mô trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, đến cảnh quan sư phạm. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt.
Từ năm 2002, được sự quan tâm của UBND Tỉnh Hà Tây, trường ta tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp với 3 khu phòng học hai tầng cho học sinh và khu hiệu bộ hai tầng khang trang, kiên cố. Dưới sự lãnh đạo của thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Lập, trường đã có bước phát triển khá toàn diện - tầm vóc một trường THPT chuẩn quốc gia ngày càng rõ nét trên một vùng quê nghèo. Năm học 2005 - 2006, quy mô nhà trường lên tới 55 lớp với gần 3.000 học sinh, đội ngũ CB, GV, CNV lên tới 112 người, trong đó có 101 giáo viên.
Năm 2008, với sự điều chỉnh địa giới hành chính, trường THPT Nguyễn Du nhanh chóng hội nhập nền giáo dục Thủ đô với tên mới - trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai (để phân biệt với trường Dân lập Nguyễn Du - Đông Anh). Quy mô trường lớp bắt đầu đi vào ổn định nhưng chất lượng giáo dục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. Đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn, trong đó 21% số giáo viên đạt trên chuẩn, nhiều thầy cô đạt những thành tích đáng phấn khởi trong các kì thi giáo viên giỏi cấp Tỉnh/Thành phố như:
Cô Nguyễn Hồng Thu: Giải nhì cấp tỉnh môn Hóa học;
Cô Vũ Thị Hạnh: Giải nhì cấp thành phố môn Địa lý;
Thầy Đỗ Văn Năm: Giải ba cấp tỉnh môn Giáo dục thể chất;
Thầy Đỗ Danh Tuyến: Giải ba cấp tỉnh môn Lịch sử;
Cô Nguyễn Thị Thu: Giải ba cấp tỉnh môn Địa lý;
Cô Lê Thị Thúy Hoa: Giải ba cấp TP giáo viên chủ nhiệm giỏi;
Thầy Lê Xuân Nghị: Giải ba cấp TP môn Toán;
Ngoài ra còn nhiều thầy cô đạt giải cao cấp huyện/cụm và giải khuyến khích cấp Thành phố.
Nhờ có đội ngũ nhà giáo chuẩn mực nên thành tích của học sinh trong trường cao dần theo từng năm học. Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng được xếp thứ hạng cao trong các trường của Thủ đô Hà Nội và toàn quốc. Trong kỳ thi ĐH năm 2014, toàn trường có 631 lượt học sinh dự thi, điểm bình quân thi ĐH là 14,84 điểm (tăng 0.67 điểm so với năm 2013), đạt thứ hạng 55 toàn Thành phố (tăng 3 bậc) và đứng đầu huyện Thanh Oai. Số lượng học sinh đỗ ĐH toàn trường năm 2014 là 226/538 học sinh (đạt tỷ lệ 42,08%).
Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2015 với nhiều thay đổi về cách thức thi, xét tuyển, nhà trường đã chủ động tư vấn, bồi dưỡng ôn tập cho học sinh, kết quả toàn trường có gần 60% học sinh lớp 12 dự thi THPT Quốc gia đạt trên mức điểm sàn xét ĐH do Bộ GD&ĐT quy định (15 điểm).
Tỉ lệ học sinh thi học sinh giỏi cấp thành phố đạt kết quả tốt. Trong 2 năm học 2013 - 2014 và 2014 - 2015, có 01 em đạt giải nhất, 08 em đạt giải nhì, 05 em đạt giải ba và 08 em đạt giải khuyến khích các môn văn hóa cấp Thành phố.
Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai về dự Lễ Khai giảng năm học 2013-2014
Điều kiện phục vụ dạy - học được nâng lên rõ rệt với 36 phòng học nhiều tầng kiên cố, có đủ các phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thực hành. Bằng công tác xã hội hoá giáo dục, tranh thủ các nguồn lực, nhà trường xây dựng được 2 phòng máy vi tính hiện đại với 50 máy thế hệ mới, nối mạng internet. Trang thiết bị giảng dạy các bộ môn văn hoá cũng được nhà trường đầu tư theo hướng hiện đại như: máy chiếu đa năng, hệ thống đài âm thanh học ngoại ngữ, máy chấm trắc nghiệm khách quan và nhiều thiết bị dạy học có giá trị, một phòng thư viện với hàng trăm đầu sách tham khảo...
Cùng với sự lớn mạnh của nhà trường, các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng hoạt động hiệu quả và luôn được đánh giá cao. Chi bộ Đảng với 35 Đảng viên nhiều năm được công nhận là "Trong sạch, vững mạnh". Công đoàn đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường liên tục đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc, được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn.
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, từ một xuất phát điểm rất thấp với biết bao khó khăn thử thách, song bằng định hướng giáo dục đúng đắn, mạnh dạn bứt phá, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, nội bộ đoàn kết, đồng thuận, khiêm tốn, tự tin, cùng với sự quan tâm giúp đỡ nhiều mặt của Sở GD-ĐT, các ban ngành chức năng Thành phố, huyện Thanh Oai, đặc biệt là sự chăm lo thiết thực hiệu quả của đông đảo cha mẹ các thế hệ học sinh. Trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai hôm nay đã trưởng thành về nhiều mặt, trở thành địa chỉ giáo dục đáng tin cậy của học sinh trong vùng, và trong một tương lai không xa khi dự án trường được mở rộng diện tích thêm khoảng 1,5 ha xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia, khang trang hiện đại - cùng với đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, Trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai nhất định sẽ gặt hái được nhiều thành tích cao hơn, xứng đáng là trung tâm giáo dục chất lượng cao của một vùng kinh tế-xã hội đang khởi sắc.
Hướng tới Kỷ niệm 30 năm thành lập trường - nhìn lại chặng đường gần 1/3 thế kỷ xây dựng và phát triển, tự hào với những thành quả bước đầu, nhận rõ những mặt tồn tại, những khó khăn thử thách, thầy và trò trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai đã và đang nỗ lực quyết tâm thi đua dạy thật tốt - học thật tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015-2016, tạo đà cho những năm học tiếp theo, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia vào thời gian tới.
Để có được những thành công trên của nhà trường trong suốt thời gian qua, trước hết phải kể đến công lao to lớn của các thế hệ thầy trò nhà trường, những con người luôn phấn đấu cho sự nghiệp phát triển chung của nhà trường. Đó là tấm gương tận tụy với trường lớp, với nghề nghiệp của thầy cô giáo thuộc thế hệ đầu tiên như các thầy nguyên là Hiệu trưởng Lê Quỳnh Lưu, thầy Nguyễn Văn Học, Nhà giáo ưu tú - thầy Quách Mộng Đấu, thầy Nguyễn Đình Lập… và rất nhiều các thầy cô khác nữa. Kết quả đó cũng là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Sở Giáo dục – Đào tạo, sự lãnh đạo của Đảng bộ nhà trường, sự góp sức rất quan trọng của các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, đoàn trường, hội cha mẹ học sinh…
Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã và đang thực hiện tốt sứ mạng là tạo dựng được môi trường học tập nề nếp, kỷ cương và thân thiện, có chất lượng giáo dục cao, để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển toàn diện tài năng; tư duy sáng tạo, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Với những thành quả mà thầy trò trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai đạt được trong 30 năm qua, tập thể nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen ghi nhận và khích lệ những đóng góp của mọi thế hệ thầy trò, đó cũng là động lực to lớn để nhà trường chúng ta tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống lập nên nhiều thành tích hơn nữa trong những năm học tới.